Đề án thay đổi khu trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt:

Bản vẽ thiết kế gây tranh luận!

Thứ Hai, 08/04/2019 11:45

|

(CATP) Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng, nhưng theo thời gian đã bị biến đổi, “lão hóa” đi nhiều, nhất là khu trung tâm (TT) Hòa Bình đã xuống cấp, lộn xộn, nhếch nhác, không còn xứng tầm là ‘bộ mặt' của thành phố. Làm mới, thay đổi khu TT Đà Lạt là ý tưởng hay, cần thiết. Nhưng bản vẽ thiết kế tỉnh Lâm Đồng vừa công bố lộ nhiều yếu điểm nên vấp phải ý kiến trái chiều.

Cần phá vỡ những định kiến không còn phù hợp

Tựu trung có những ý kiến phản đối cho rằng, khu TT Hòa Bình (hay còn gọi rạp Hòa Bình), công trình tồn tại 60 năm có quá nhiều kỷ niệm với nhiều người, ghi dấu những ký ức một thời.

Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng tại buổi họp báo cung cấp thông tin với báo chí về đề án chỉnh trang, xây dựng mới khu TT Hòa Bình - Đà Lạt

Rạp Hòa Bình gắn với chợ Đà Lạt, cách một con đường nối với cầu thang dẫn vào chợ tạo nên lối kiến trúc tuy hai mà một, gắn với các công trình nhà ở, hộ kinh doanh xung quanh, thành khối tổng thể hài hòa của khu vực. Bị dỡ bỏ, mất đi, như có sự đổ vỡ trong tâm hồn, đổ vỡ khối kiến trúc tổng hòa khu vực nên khó chấp nhận.

Cùng đó, Dinh tỉnh trưởng trên Đồi Dinh (cách TT Hòa Bình khoảng trên 1km) là công trình kiến trúc có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử. Dinh nằm trên đồi cao, bao quanh là rừng thông, cây xanh, rộng trên 4 ha ngay giữa lòng thành phố. Ẩn, mất đi những giá trị này khiến nhiều người hụt hẫng. Đó là chưa nói đến việc các thiết kế công trình mới thay thế, chỉnh trang có phù hợp hay không.

Về lịch sử, rạp Hòa Bình do kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Duy Đức đứng đầu một nhóm KTS từ Sài Gòn thiết kế, nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu đảm nhận thi công năm 1958. Sau 2 năm xây dựng thì hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 1960, trên nền chợ Cây cũ (tồn tại 4 năm).

KTS Ngô Viết Thụ - Khôi nguyên giải La Mã, người đã thiết kế những công trình nổi tiếng: Dinh Độc Lập, Viện nguyên tử Đà Lạt... thiết kế xây chợ mới Đà Lạt cạnh bên, tạo thành cặp đôi công trình có kiến trúc hài hòa, mãn nhãn nhiều người.

Theo thời gian, chợ Đà Lạt xuống cấp, không đảm bảo sức mua sắm của người dân địa phương và du khách ngày một đông, năm 2009, chính quyền Đà Lạt cho xây thêm khu chợ B mới, vẫn duy trì chợ cũ (khu A). Rạp Hòa Bình “khai tử”, còn lại chợ cũ Đà Lạt lẻ loi khiến nhiều người nuối tiếc!

Phía sau rạp Hòa Bình là bến xe Tùng Nghĩa, xưa là bến xe trung tâm thành phố, giờ là trạm xe buýt và là nơi kinh doanh ăn uống, sửa xe... của các hộ dân, chật hẹp, nhếch nhác.

Rạp Hòa Bình hiện tại

Phối cảnh trung tâm thương mại phức hợp tại vị trí Hòa Bình theo thiết kế dự kiến (Ảnh chụp từ đồ án của KTS H.T.T)
Những kiến trúc xưa - mới, hiện đại và đẹp mê hồn trong các bức ảnh tư liệu, nhưng không thể sống mãi, không còn phù hợp với sự phát triển, nhu cầu thông thoáng hiện nay. Nhiều năm qua, một số hộ dân có công trình nhà ở, kinh doanh quanh khu TT Hòa Bình đã cơi nới, xây mới thành những khối nhà, khách sạn cao tầng, đa dạng kiểu dáng, lấn lướt toàn cảnh quan không gian kiến trúc khu Hòa Bình.
“Chúng tôi chỉ có thể quản lý, khống chế độ cao tầng, kiến trúc và màu sắc (sơn nhà) đảm bảo sự hài hòa khu vực. Không dễ có cán bộ chuyên môn có am hiểu, tầm nhìn bằng các bậc tiền bối về kiến trúc nên có sự biến dạng quy hoạch ở đây”! – một cán bộ địa phương phân trần.
Dinh tỉnh trưởng hàng chục năm qua thưa thớt khách lai vãng, thậm chí mới đây, có sự công bố bản đồ án quy hoạch nhiều người mới biết đến. Do không được chú trọng tôn tạo, đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Có những thứ đã hoàn tất sứ mệnh lịch sử của mình! Không nên cố chấp, ôm giữ những giá trị không còn phù hợp với bối cảnh thời gian, làm cản trở sự phát triển. Vấn đề là ai sẽ làm và làm như thế nào?

Cần cân nhắc ‘đổi đất lấy hạ tầng’

Thiết kế khách sạn Đồi Dinh có chóp mái kiểu đền đài của Ấn Độ bị nhiều người chê

Lý do khiến đồ án thay đổi khu TT Hòa Bình – Đà Lạt vấp phải những ý kiến trái chiều, chưa đồng tình còn vì bản vẽ thiếu thuyết phục. Thiết kế này do một KTS sinh ra lớn lên ở Đà Lạt tặng chính quyền tỉnh Lâm Đồng.

Một phần bản vẽ khiến người xem hụt hẫng, bất bình khi thấy thiết kế cụm công trình khách sạn cao tầng trên Đồi Dinh (dự kiến xây) nổi bật trên cao, trở thành điểm nhấn thu hút, che khuất hết dinh tỉnh trưởng, như muốn “xóa sổ” kiến trúc dinh này. Những chóp mái của công trình xây theo kiểu đền đài ở... Ấn Độ!

Trong khi đó, công trình khu TT thương mại phức hợp (vị trí rạp Hòa Bình hiện tại) bị ‘lép vế’, không hài hòa với chợ Đà Lạt (giữ lại bảo tồn) khiến không gian chợ và khu Hòa Bình (mới) chỏi nhau.

Bản vẽ thiết kế những công trình mới không tuân thủ hay mang dáng dấp kiến trúc đặc trưng Đà Lạt. Lẽ ra KTS nên thiết kế những công trình mới mang tính kế thừa, ảnh hưởng theo lối kiến trúc đặc trưng, sang trọng mà người Pháp và các KTS bậc thầy Việt Nam đã để lại, như các công trình: nhà thờ con gà, Trường Cao đẳng Đà Lạt, nhà hàng thủy tạ bên hồ Xuân Hương, chợ Đà Lạt ngay cạnh bên... làm hài hòa tổng quan với các công trình nổi tiếng theo dòng lịch sử, có dấu ấn của phố núi cao nguyên Đà Lạt.

Phần còn lại của bản vẽ gồm những công trình quảng trường, công viên cây xanh, mở rộng thêm nhiều tuyến đường... với kiến trúc, cảnh quan thoáng đãng, thân thiện, trải dài trên diện tích rộng lớn đến hồ Xuân Hương, tạo một không gian mở, xanh - sạch - đẹp nhận được nhiều lời khen.

Phối cảnh quảng trường, phố đi bộ sau khi giải tỏa trắng nhiều công trình quanh khu Hòa Bình hiện nay, trải dài xuống hồ Xuân Hương

Theo ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng: “Bản vẽ dựa trên các ý tưởng. Đây chỉ là mô phỏng công trình có tỷ lệ xây dựng tương ứng. Sau này khi lựa chọn xây dựng, chúng tôi sẽ thẩm định kỹ lưỡng chi tiết từng công trình để có điều chỉnh phù hợp”.

Ý tưởng mạnh tay giải phóng trên diện rộng khu Hòa Bình, chú trọng không gian thông thoáng, nhiều cây xanh của đề án là rất hay, đúng thời điểm, cần nhận được sự đồng tình, ủng hộ. Dự án thực hiện theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (đổi đất lấy hạ tầng), tỉnh Lâm Đồng không bỏ vốn.

Toàn cảnh bản vẽ thiết kế đề án chỉnh trang, xây dựng mới khu Hòa Bình - Đà Lạt trên diện tích trên 30ha

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, ngoài phương án tỉnh Lâm Đồng cho xây hệ thống dịch vụ khách sạn cao cấp trên Đồi Dinh (giữ lại nguyên vẹn kiến trúc Dinh tỉnh trưởng), còn một phương án khác tỉnh Lâm Đồng nên tính đến, như: đấu thầu từng hạng mục công trình trên 50% mật độ xây dựng quanh khu TT Hòa Bình sẽ mở rộng bị giải tỏa; đổi lại, giao các nhà đầu tư đất ở ngoại ô Đà Lạt theo đề án mở rộng Đà Lạt đến các vùng phụ cận, giữ lại khu Đồi Dinh vì đây là vị trí duy nhất trong trung tâm còn nhiều cây xanh.

Việc khoác cho Đà Lạt một chiếc áo mới duyên dáng, hợp thời mà không kệch cỡm, không làm mất đi những giá trị trị cốt lõi của thành phố này, rõ ràng là trách nhiệm và áp lực rất lớn với nhà quản lý.

KTS Ngô Viết Thụ khi nói về kiến trúc Đà Lạt, cho rằng: "... Người ta có thể đổ tiền ra xây nhà cao cửa rộng chứ không thể mua được khí hậu và má hồng. Trước thiên nhiên Đà Lạt, kiến trúc sư chỉ được phép góp phần điểm tô cho thiên nhiên đó. Đà Lạt là một thành phố cao nguyên, địa hình uyển chuyển, mềm mại. Vì vậy kiến trúc sư phải đi theo thiên nhiên, tuân thủ những đường nét của thiên nhiên, không được phá vỡ bố cục của tạo hóa...”.

Đà Lạt sẽ mời
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang